Chỉ còn 7/31 doanh nghiệp âm quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/12/2022 là 4.617 tỷ đồng. Trong quý IV/2022, tổng số trích Quỹ BOG là hơn 2.155 tỷ đồng; tổng số sử dụng Quỹ BOG là 79,2 tỷ đồng.
Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý IV/2022 là hơn 2 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm là 1,4 tỷ đồng.
Thời gian |
Số dư Quỹ BOG (ĐV: tỷ đồng) |
Hết quý IV/2022 |
4.617 |
Hết quý III/2022 |
2.540 |
Hết quý II/2022 |
310 |
Hết quý I/2022 |
-170 |
Ngày 31/12/2021 |
898,5 |
Cũng theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2022 chỉ còn 7/31 doanh nghiệp ghi nhận quỹ BOG âm, tổng số là âm gân 695 tỷ đồng.
Trong đó, quỹ BOG của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm hơn 513 tỷ đồng, ngược lại quỹ BOG của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ghi nhận ở mức gần 1.986 tỷ đồng.
Tại tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – Tiếng nói người trong cuộc”, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP HCM) đã nêu những bất cập trong việc điều tiết quỹ bình ổn, dẫn đến thiếu minh bạch trên thị trường xăng dầu.
Cụ thể, khi giá xăng dầu thế giới xuống thì Liên Bộ Công Thương – Tài chính trích lập quỹ BOG nhiều, ngược lại khi giá xăng dầu lên lại xả ít, điều này làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ bình ổn là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản doanh nghiệp đầu mối.
“Vậy đối tượng nào được phép quản lý sử dụng ra sao, trong khi đối tượng người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao ai hưởng? Đó là quan hệ dân sự thiếu minh bạch.
Trong khi đó Nhà nước không quản lý. Vậy theo Bộ Tài chính làm thế nào để minh bạch trong trích lập quỹ bình ổn để đạt được mục tiêu và ý nghĩa tên gọi ‘bình ổn’ không?”, ông Thật đặt vấn đề.
Những bất cập về trong cách sử dụng quỹ BOG cũng được nhiều chuyên gia đề cập trước đó. Tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định 95, 83, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng đã đến lúc phải bỏ Quỹ BOG do chưa thực hiện được vai trò cả ở lý thuyết và thực tiễn.
“Việc điều hành Quỹ BOG thời gian qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng Quỹ còn lớn hơn. Do vậy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang gây bất ổn”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.