Giá nguyên vật liệu sản xuất vốn dĩ đã tăng vì COVID-19, nay lại cộng thêm xăng dầu tăng mạnh trong 4 kỳ điều hành gần đây đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp “đội thêm”. Trong khi đó, việc tăng giá bán sản phẩm của doanh nghiệp là điều khó thực hiện, dễ mất khách hàng.
Tăng giá bán không được, giữ nguyên giá lại càng không
Trong 4 kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Điều này ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp sản xuất bởi xăng dầu cũng là nguyên liệu đầu vào, cấu thành nên chi phí sản phẩm.
Đơn cử như ngành nhựa khi giá hạt nhựa khi giá nguyên vật liệu vốn tăng phi mã nay phải gánh thêm chi phí giá xăng dầu tăng cao.
Chia sẻ với người viết, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM cho biết “Ngành nhựa bị tác động đầu tiên khi dịch COVID-19 xảy đến, giờ thêm giá xăng dầu lại tác động tiếp. Doanh nghiệp đang bị nhiều cú tấn công nên rất mệt mỏi”.
Hiện so với năm ngoái, giá hạt nhựa đã tăng khoảng 20%. 1 tấn hạt nhựa năm 2020 giá 1.000 USD, năm nay đội lên 1.200 USD.
Giá thành sản xuất tăng cao, doanh nghiệp buộc phải tính tới việc tăng giá sản phẩm đầu ra thế nào để không lỗ vốn. Tuy nhiên, nếu tăng giá sẽ giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ có lợi thế về nguồn cung nguyên liệu hoặc có vị trí nhập hàng thuận tiện hơn để tiết kiệm chi phí vận tái.
Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro mất khách. Đó là thế “tiến thoái lưỡng nan” mà các doanh nghiệp sản xuất như Nam Thái Sơn đang gặp phải.
“Việc tăng giá bán sản phẩm rất khó. Một phần là hợp đồng được doanh nghiệp ký với thời gian từ 6 tháng đến một năm, nên giờ không thể thay đổi giá.
Phần khác là giá sản phẩm vốn đã đội lên vì chi phí sản xuất tăng cao, giờ mà tăng thêm nữa thì rõ ràng kém sức cạnh tranh so với các đối thủ khác. Nay chúng tôi mà tăng giá sản phẩm thì chắc chắn sẽ mất những khách hàng còn lại”, ông Việt Anh cho biết.
Theo vị này do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp đã bị mất khá nhiều khách hàng, chỉ thực hiện được 30-40% đơn hàng trong mấy tháng qua.
Trong bối cảnh việc tăng giá sản phẩm khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chấp nhận đóng cửa, tạm dừng hoạt động để tránh thua lỗ thêm. Với các doanh nghiệp lớn, việc thu hẹp sản xuất, đàm phán để mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn để giữ bạn hàng, người lao động.
Mặc dù vậy, giá nhiều nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới tăng bằng lần trong suốt hơn một năm qua khiến việc đàm phán không phải là điều dễ dàng.
Còn với các doanh nghiệp vận tải thì rõ ràng họ đang chịu tác động trực tiếp từ biến động của giá xăng dầu. Ông Đinh Hữu Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần thương mại phát triển Hàng Hải, cho hay giá xăng dầu tăng đang tác động vào giá cước vận tải, giá xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.
Hiện nay, chưa có doanh nghiệp vận tải nào tăng giá do việc điều chỉnh cũng cần độ trễ, chậm hơn biến động giá xăng dầu.
Ông Thịnh cho biết vài ngày nữa sẽ cho nhân viên tính toán lại giá thành vận tải để gửi bảng báo giá mới với khách hàng. “Muốn tăng giá vận tải, chúng tôi phải tính toán lại rồi gửi thông báo tới khách hàng, thường thì sau nửa tháng mới tăng được nên trước mắt ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh vận tải nhiều”, ông nói.
Xem xét giảm thuế phí xăng dầu
Về cách thức để tính ra mức giá vận tải mới, Chủ tịch Công ty Hàng Hải dẫn ví dụ trong quãng đường 100km, xe container sẽ tiêu tốn 37 lít dầu, doanh nghiệp sẽ tính ra bảng giá mới theo mức điều chỉnh của giá xăng dầu, chứ không thể nói tăng bao nhiêu phần trăm như với hàng hóa.
Có thể thấy từ doanh nghiệp vận tải tới doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, trong khi đó giá xăng dầu thế giới vẫn được dự báo là có thể thiết lập đỉnh mới.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian đang chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm…
Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Dự báo về giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, từ nay đến cuối năm, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, duy trì ở mức cao. Nhiều dự báo cho thấy, giá dầu thô có thể lên mức 90 – 100 USD/thùng.
Nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu thế giới bị đứt gãy vì dịch bệnh, đồng thời thị trường thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nên nhu cầu năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Mỹ cũng đang cắt giảm các dự án dầu đá phiến để bảo vệ môi trường. Do đó, dự báo giá xăng dầu thế giới còn có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.
Giá xăng dầu thế giới tăng thì có lo ngại “khủng hoảng” nguồn cung mặt hàng này trong thời gian tới? Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng nếu giá dầu thô thế giới thiết lập mức 100 USD/thùng thì vẫn chưa phải là mức cao, cũng chưa phải là khủng hoảng. Nhớ lại thời điểm những năm 2008 – 2009, 2013-2014, giá dầu thô lên đến 140 USD/thùng.
Tuy nhiên, ở góc độ hoạt động sản xuất, phục hồi của doanh nghiệp thì cần phải chủ động ứng phó, thích ứng, thông qua cắt giảm thêm các chi phí sản xuất khác. Hiện, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế, phí để kéo giảm giá xăng dầu.
Trong khi chờ Chính phủ, Quốc hội xem xét, nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để cắt giảm chi phí phòng chống dịch như xét nghiệm, thực hiện 3 tại chỗ… để giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp.
Dương Thùy